Mỗi người sinh ra là một cá thể hoàn toàn riêng biệt, chẳng ai phải có trách nhiệm làm hài lòng mọi người xung quanh và ngược lại, chúng ta cũng không có quyền bắt người khác làm điều gì đó theo ý của mình.
Nhận xét hay phán xét
Việc bạn nhận xét đánh giá về một người khác cũng là một chuyện hết sức bình thường, ta hoàn toàn có thể giúp ai đó trở nên hoàn thiện hơn bằng những lời nhận xét chân thành của mình, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Mọi người thường có xu hướng áp đặt người khác vào thước đo riêng của mình, muốn người khác làm theo những gì mình cho là đúng.
Mỗi người có những quan điểm và ý nghĩ riêng, những điều bạn nhận xét về người khác nên nhớ, chúng chỉ mang tính chất khách quan, gợi ý, họ không có nghĩa vụ phải tuân theo bởi chắc gì điều bạn đưa ra đã phù hợp với họ.
“Không phải ai cũng tốt đẹp, nhưng luôn có điều gì đó tốt đẹp trong bất cứ ai. Đừng bao giờ vội vã phán xét người khác bởi vị Thánh nào cũng có một quá khứ và kẻ tội đồ nào cũng có một tương lai.” – Oscar Wilde.
Phán xét có quá đáng?
Con người mà hôm nay bạn gặp, bạn phán xét, bạn không biết được họ đã trải qua ngày hôm qua thế nào, đừng vì họ khác bạn mà cười cợt chế giễu, họ có thể bị tổn thương vì những lời nói quá đáng của bạn.
Còn nếu người ta không bị tổn thương, thì chính bạn đang làm mất đi những giá trị tốt đẹp của bản thân bởi đó là một thói xấu đáng trách. Nếu cứ giữ thói quen ấy, bạn dần dần sẽ trở thành một người khó ưa, luôn có những ý nghĩ tiêu cực thậm chí nếu không phán xét người khác thì không chịu được, rồi sau đó bạn bè cũng sẽ rời xa bạn, chẳng ai ưa một người hay phán xét cả.
Hãy thử tưởng tượng xem một thế giới chỉ toàn những người hay đi phán xét thì sẽ trở thành thế nào? Nếu như vậy thật thì quá tệ.